Ủy ban đã nhất trí thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo quyền lợi của các lao động làm việc trong ngành khai thác cá ngừ tại khu vực này như trả lương công bằng, điều kiện làm việc an toàn và đảm bảo, bảo vệ chống lại lao động cưỡng bức và các hành vi lạm dụng khác. Các tiêu chuẩn lao động mới rất quan trọng để đảm bảo sự an toàn và phẩm giá của thuyền viên. Cơ quan Diễn đàn Nghề cá (FFA) cho biết động lực chính để triển khai sáng kiến này nhằm thực hiện các cam kết của FFA đối với trách nhiệm xã hội trong quản lý nghề cá.
Như vậy, WCPFC trở thành cơ quan quản lý nghề cá khu vực (RFMO) đầu tiên giải quyết các vấn đề về tiêu chuẩn lao động của thuyền viên trên các tàu cá hoạt động trong vùng biển do tổ chức này quản lý. WCPFC đã thông qua thỏa thuận về một phạm vi cho các tiêu chuẩn lao động của thuyền viên nhằm thiết lập các quy tắc để cải thiện phúc lợi của thuyền viên trên các tàu hoạt động trong vùng biển Tây và Trung Thái Bình Dương. Những quy tắc này sẽ được thực hiện trong vòng ba năm tới. WCPFC sẽ là tấm gương cho các RFMO khác trong việc thừa nhận và giải quyết các vấn đề về tiêu chuẩn lao động của thuyền viên.
Bên cạnh đó, WCPFC cũng nỗ lực hết sức để hiện đại hóa hoạt động giám sát nghề khai thác cá ngừ ở vùng biển Tây và Trung Thái Bình Dương. Sau một thập kỷ nỗ lực, WCPFC đã thông qua các tiêu chuẩn giám sát điện tử tạm thời đối với hoạt động quản lý nghề cá. Công việc giám sát trên tàu sẽ được hỗ trợ nhờ camera và các thiết bị điện tử khác, từ đó sẽ tăng cường thu thập dữ liệu và giúp đảm bảo rằng ngư dân tuân thủ các quy tắc do WCPFC đề ra. Những thiết bị này trong tương lai sẽ giúp cải thiện hoạt động giám sát nghề cá trong khu vực một cách toàn diện, hiệu quả, góp phần xác minh độc lập hoạt động đánh bắt, cường lực khai thác và mối tương tác giữa các loài sinh vật biển.
Hiện WCPFC chỉ yêu cầu các tàu lưới vây phải đáp ứng 100% phạm vi quan sát, trong khi các tàu câu vàng chỉ cần đạt được mức độ quan sát tối thiểu là 5%. Do đó, việc WCPFC nâng mức phạm vi quan sát đối với các tàu câu vàng đã góp phần khắc phục tình trạng quan sát kém trên các tàu câu vàng. Quan trọng hơn nữa, với động thái này, WCPFC đã tham gia cùng các cơ quan quản lý nghề cá khu vực (RFMO) tại các vùng đại dương khác giúp đảm bảo dữ liệu đầy đủ hơn và thuận tiện hơn cho các tàu cá di chuyển giữa các khu vực RFMO.
Một thành công khác của WCPFC là thúc đẩy các biện pháp bảo tồn và quản lý cá ngừ thông qua việc tiếp tục phát triển các quy trình quản lý (MP) hay các chiến lược thu hoạch. Đó là các quy tắc khoa học phòng ngừa được thiết kế nhằm đáp ứng các mục tiêu quản lý do các nhà quản lý nghề cá đặt ra, chẳng hạn như duy trì trữ lượng ở mức lành mạnh trong thời gian dài với mức độ chắc chắn cao. Các chiến lược thu hoạch được thiết kế tốt sẽ tạo ra kết quả ổn định và có khả năng dự đoán tốt hơn. WCPFC đã phát huy tốt những thành công đạt được trong lĩnh vực này thông qua các hoạt động quản lý dựa trên khoa học để duy trì trữ lượng cá ngừ trong vùng biển Tây và Trung Thái Bình Dương ở mức dồi dào.
Cụ thể, WCPFC đã nhất trí lựa chọn cá ngừ mắt to làm đối tượng điểm tham chiếu mục tiêu (TRP), một yếu tố kỹ thuật quan trọng của các quy trình quản lý. Ngoài ra, WCPFC đã thông qua một chiến lược giám sát đối với cá ngừ vằn và cập nhật kế hoạch công tác về chiến lược thu hoạch của loài này dựa trên các thông tin và khuyến nghị gần đấy nhất của Ủy ban Khoa học.
Tuy đã đạt được nhiều thành công trong hoạt động quản lý nguồn lợi, WCPFC vẫn chưa đạt được sự thống nhất về một quy trình quản lý tạm thời cho cá ngừ vây xanh. Mặc dù vậy, WCPFC và Ủy ban cá ngừ nhiệt đới liên châu Mỹ (IATTC) đã thống nhất cùng phối hợp quản lý cá ngừ vây xanh trong phạm vi của mình. Hơn nữa, WCPFC cũng nhất trí sẽ ban hành và triển khai quy trình quản lý cho nguồn cá này vào năm 2025.
Tuy nhiên, một hạn chế còn tồn tại là WCPFC đã không đạt được thống nhất về các cách cải thiện tính minh bạch của việc chuyển tải sản lượng khai thác cá ngừ. Các quy tắc của WCPFC về việc chuyển tải vẫn không phù hợp với các khuyến nghị của Liên hợp quốc và chậm hơn so với các tiêu chuẩn do bốn tổ chức quản lý nghề cá ngừ khu vực khác đang áp dụng.
Dữ liệu độc lập và đầy đủ về chuyển tải trên biển là một bước quan trọng trong chuỗi cung ứng hải sản. Nó đặc biệt quan trọng đối với các nhà hoạch định và quản lý nghề cá. Khi không được quản lý tốt, chuyển tải trên biển có thể trở thành phương tiện giúp đưa cá được khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) vào thị trường. Biện pháp của WCPFC về chuyển tải được xác định là chưa đủ và không phù hợp với các yêu cầu thực hành tốt nhất hiện nay. WCPFC đã bỏ lỡ cơ hội cải thiện các quy định chuyển tải trên biển và chỉ đạt được sự đồng thuận cam kết sẽ thực hiện nhiều công việc hơn đối với vấn đề này vào năm 2025.
Nhìn chung, các thành viên của WCPFC đã tận dụng tốt các cơ hội để tiếp tục cải thiện việc quản lý các nghề cá có giá trị lớn của mình. Các kết quả do WCPFC mang lại góp phần quản lý nghề khai thác cá ngừ trong khu vực tốt hơn, hướng tới mục tiêu sử dụng nguồn lợi cá ngừ bền vững và bảo vệ hệ sinh thái biển.
Hương Trà (tổng hợp)